Phương pháp dạy học tích hợp ở tiểu học thường xuyên được nhắc đến trong những năm gần đây. Đây là phương pháp được kỳ vọng giúp học sinh tiếp thu kiến thức chủ động và phát triển kỹ năng một cách toàn diện. Vậy cụ thể phương pháp này đem lại những lợi ích gì cho học sinh? Cùng tìm hiểu ngay qua bài chia sẻ dưới đây!
Phương pháp dạy học tích hợp cho học sinh tiểu học là hình thức kết hợp kiến thức trong một hoặc nhiều môn học khác nhau. Theo đó, phương pháp này có 4 cách tích hợp được vận dụng phổ biến hiện nay gồm:
Tổng quan phương pháp dạy học tích hợp ở tiểu học
Tích hợp nội môn là gộp kiến thức từ hai hay nhiều nội dung trong một môn học, giúp học sinh tổng hợp kiến thức một cách tinh gọn. Các môn được tích hợp theo hình thức dạy riêng từng môn và sẽ loại bỏ các phần trùng nhau nên khả năng vận dụng kiến thức của học sinh cũng được cải thiện đáng kể.
Ví dụ: Trong môn Tiếng Việt có Luyện từ, Tập làm văn, Chính tả thì giáo viên sẽ kết hợp để học sinh thực hành kể chuyện hoặc viết đoạn văn ngắn.
Tích hợp liên môn là cách dạy học thông qua sự tương đồng kiến thức của hai hoặc nhiều môn học. Từ đó, xây dựng phương pháp phù hợp để học sinh không phải học nhiều lần cùng một kiến thức.
Tích hợp đa môn là cách dạy tiếp cận theo từng môn và dạy cùng lúc để đạt được hiệu quả tối đa của môn đó. Với hình thức này, nội dung được xây dựng thành từng chuỗi lý thuyết và đòi hỏi học sinh phải tự tổng hợp kiến thức, kỹ năng của các môn học.
Tích hợp xuyên môn là giảng dạy một nội dung vượt ra khỏi phạm vi môn học đó và học sinh được yêu cầu vận dụng kiến thức, kỹ năng ở mức độ cao hơn. Qua đó, học sinh xem xét vấn đề toàn diện hơn dưới nhiều góc độ khác nhau đến từ các môn học khác nhau.
Lợi ích chương trình dạy học tích hợp với học sinh tiểu học
Với phương pháp dạy học tích hợp, học sinh không phải học riêng lẻ từng môn và bị trùng lặp kiến thức. Thay vào đó, học sinh sử dụng kiến thức từ nhiều môn học khác nhau để giải quyết một vấn đề cụ thể, giúp học sinh tăng khả năng hiểu rõ bối cảnh thực tiễn.
Các nghiên cứu chỉ ra rằng, dạy học tích hợp sẽ làm tăng kỹ năng tư duy cho học sinh như khả năng tư duy phản biện, tư duy logic, tư duy giải quyết vấn đề,... Đồng thời, phương pháp này giúp kích thích trí tò mò của học sinh, tăng cường kỹ năng làm việc nhóm, làm sâu sắc hiểu biết của học sinh từ nhiều góc nhìn khác nhau.
Với chương trình học tích hợp, thay vì học 11 - 13 môn thì học sinh chỉ cần học từ 3 - 8 môn kết hợp. Việc lồng ghép các vấn đề như môi trường, kỹ năng sống, sức khỏe, xã hội,... vào các môn học giúp học sinh tiếp cận vấn đề một cách dễ dàng hơn. Đặc biệt là học sinh tiểu học, số lượng môn học dày đặc khiến các em cảm thấy khó khăn trong việc tiếp thu kiến thức mới.
Chính vì vậy, phương pháp dạy học tích hợp thúc đẩy sự chủ động trong quá trình tìm kiếm thông tin và tiếp thu kiến thức đối với học sinh.
Trong suốt quá trình học tập, học sinh không chỉ lắng nghe thụ động như trước đây mà còn phải chủ động trao đổi và phân tích. Học sinh có thể trao đổi thông tin với bạn bè, thầy cô để làm rõ những vấn đề còn khúc mắc. Thảo luận để cùng nhau tìm ra cách giải quyết vấn đề. Từ đó, học sinh có thể trau dồi và tăng cường khả năng làm việc nhóm.
Dạy học tích hợp ở tiểu học đang được áp dụng tương đối phổ biến tại các trường quốc tế hoặc có yếu tố quốc tế. Chương trình giảng dạy này mang lại nhiều lợi ích cho học sinh và giúp các em đạt được kết quả học tập cao.